Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa là một cơ sở khoa học vừa là một trung tâm văn hóa, có tính khoa học cao và tính xã hội rộng lớn. Bảo tàng có các chức năng như sau: Nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế, trưng bày, trình diễn, để giới thiệu và giáo dục về những giá trị lịch sử – văn hóa của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng và bảo tàng dân tộc học.

Quá trình hình thành

Loại hình bảo tàng dân tộc học rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện trên qui mô quốc gia cũng như ở từng địa phương, bởi vì Việt Nam có tới 54 dân tộc. Cho nên, ngay từ năm 1981 Nhà nước đã chủ trương hình thành một Bảo tàng Dân tộc học đặt tại thủ đô Hà Nội. Công trình Bảo tàng Dân tộc học được chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật ngày 14-12-1987 và được Nhà nước cấp đất để xây dựng: năm 1987 – 2.500m2, năm 1988 – 9.500m2, đến năm 1990 Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao toàn bộ 3,27 ha.

Bảo tàng bắt đầu được cấp vốn chuẩn bị đầu tư vào năm 1986. Công việc xây dựng móng triển khai từ cuối năm 1989. Theo luận chứng kinh tế – kỹ thuật, tổng kinh phí để xây dựng là 27 tỷ đồng, chưa kể khoảng 4 tỷ đồng cho việc sưu tầm hiện vật, tư liệu và tổ chức trưng bày

Suốt nhiều năm, Ban quản lý công trình Bảo tàng và Phòng Bảo tàng là một bộ phận của Viện Dân tộc học. Ngày 24-10-1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Ngày 12 tháng 11 năm 1997, đúng vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp họp tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đã cắt băng khai trương Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam toạ lạc bên đường Nguyễn Văn Huyên ở quận Cầu Giấy, cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 8 km. Đây vốn là vùng đất ruộng  của cư dân sở tại. Tất cả các công trình cơ sở hạ tầng đều mới được xây dựng cùng với quá trình hình thành Bảo tàng. Đường Nguyễn Văn Huyên và đường Nguyễn Khánh Toàn chạy qua phía trước Bảo tàng cũng đều mới được xây dựng.

Công trình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (người dân tộc Tày, thuộc Công ty Xây dựng nhà ở và công trình công cộng, Bộ Xây dựng) thiết kế. Nội thất công trình do Bà kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp) thiết kế.

Trong khoảng một chục năm qua, Bảo tàng có 2 khu vực chính. Một khu bao gồm nhà trưng bày, văn phòng và cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường… Các khối nhà liên hoàn với nhau, có tổng diện tích 2.480m2, trong đó 750 m2 dùng làm kho bảo quản hiện vật. Khu thứ 2 là khu trưng bày ngoài trời, rộng khoảng 2 ha, bắt đầu xây dựng năm 1998 và hoàn thành công trình trưng bày cuối cùng trong năm 2006.

 

Bên cạnh đó, hiện nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được cấp thêm hơn 1 ha đất, nâng diện tích khuôn viên của Bảo tàng lên gần 4,4 ha. Tại phần đất mở rộng này, từ giữa năm 2007 bắt đầu xây dựng một tòa nhà 4 tầng, sẽ mang tên “nhà Cánh diều”, để giới thiệu về văn hóa các dân tộc ngước ngoài, chủ yếu là các dân tộc ở Đông Nam Á. Đây sẽ là khu trưng bày thứ 3 của Bảo tàng.

Mười năm đầu mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đón tiếp khoảng 1.200.000 lượt khách tham quan, trong đó có trên 530.000 khách quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số du khách đến Bảo tàng ngày càng gia tăng, năm 2007 đạt 337.000 lượt người, trong 6 tháng đầu năm 2008 – hơn 210.000 lượt người…

v Những điểm mới

Có thể nói, Bảo tàng này là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quí giá về văn hoá của đủ 54 dân tộc. Tính đến năm 2000 đã tích luỹ được 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm ảnh màu), 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CDRom . Đồng thời, đây là một trung tâm nghiên cứu dân tộc học với những chuyên gia về các dân tộc, các lĩnh vực chuyên ngành. Người ta đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về các dân tộc, các sắc thái văn hoá đa dạng và đặc sắc của từng tộc, từng vùng cũng như những giá trị truyền thống chung của các dân tộc. Vì vậy, từ nhân dân khắp các miền trong nước đến khách nước ngoài, từ học sinh, sinh viên đến nhà khoa học đều có thể tìm thấy sự hấp dẫn ở đây.

Hiện vật của BTDTHVN không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu… Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và mọi sáng tạo văn hoá của họ. Bởi vậy, trong Bảo tàng này, hiện vật rất phong phú, có thể hình thành được nhiều sưu tập theo các tiêu chí khác nhau. Bảo tàng có 54 bộ sưu tập về từng dân tộc, như: về người Thái, về người Hmông, về người Gia Rai… Phân chia theo công dụng, có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về ngư cụ, về vũ khí, về đồ gia dụng, về nhạc cụ… Lại có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tổ chức trưng bày và xuất bản sách ảnh theo các dạng thức sưu tập khác nhau, bổ ích và lý thú đối với mọi đối tượng, mọi trình độ học vấn.

BTDTHVN được triển khai theo nhiều quan niệm mới phù hợp với sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Trước hết đó là quan niệm Bảo tàng dành cho tất cả mọi người. Quan niệm này được thể hiện trong cả kiến trúc lẫn trong kỹ thuật trưng bày. Bảo tàng có lối đi riêng thích hợp cho thương binh hay những người khuyết tật phải di chuyển bằng xe đẩy và có thang máy để họ lên xem tầng hai. Các bậc lên xuống đều có tay vịn cho người già yếu tiện đi lại. Trong trưng bày, kế thừa kinh nghiệm của nhiều bảo tàng trên thế giới, BTDTHVN đã không chọn chữ in mà chọn chữ viết thường cho tất cả các bài viết để người xem ở các lứa tuổi có thể đọc dễ dàng và không mỏi mắt. Các tấm pa nô cũng được treo ở tầm cao có tính toán phù hợp với cả lứa tuổi thiếu nhi. Phần trưng bày của Bảo tàng có hiện vật, có ảnh, bài viết, có băng hình, có các tư liệu tham khảo… mà người xem tuỳ trình độ và nhu cầu khác nhau có thể khai thác nhiều hay ít.

Bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm vì hiện vật phản ánh những sinh hoạt đời thường của nhân dân các dân tộc. Vậy nên một quan điểm xuyên suốt là: trang trí thật đơn giản, không cầu kỳ, để người xem có thể cảm thụ nhiều nhất cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của mỗi hiện vật rất bình dị, đời thường. Trong Bảo tàng không có tranh minh hoạ. Nếu cần minh chứng cho những sinh hoạt nào đó thì Bảo tàng chỉ dùng ảnh hay băng hình phản ánh cuộc sống thực của các dân tộc.

Phần trưng bày thường xuyên của Bảo tàng hiện nay chỉ trưng bày một số lượng hiện vật hạn chế: gần 700 hiện vật khối và 280 ảnh. Quan điểm chủ đạo là không tham đưa quá nhiều hiện vật vào trong các tủ trưng bày, bởi sẽ gây cảm giác thừa ứ hoặc khó tiếp cận được một cách tập trung.

Phương pháp bố trí nội dung trong trưng bày của Bảo tàng là kết hợp giữa cộng đồng ngôn ngữ và vùng lãnh thổ. Hầu hết hiện vật trưng bày là hiện vật gốc, được lựa chọn và chủ yếu phô bày trong 97 tủ kính lớn nhỏ khác nhau: có loại tủ 1 mặt, có loại 4 mặt, có tủ chứa nhiều hiện vật, có tủ chỉ đặt 1 hoặc vài ba hiện vật. Trong số đó, hơn 50 tủ có bài viết giới thiệu kèm theo. Mỗi hiện vật đều có phụ đề ghi rõ tên gọi hiện vật, đồng thời cho biết dân tộc và xứ sở sản sinh ra nó. Bảo tàng cũng sử dụng manơcanh, bản đồ, biểu đồ, sách cứng, ảnh, phim video, băng âm thanh, một số mô hình và 33 pa nô trong trưng bày. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng trong nhà vẫn có một số điểm nhấn được trưng bày theo hình thức tái tạo về một tập tục hay một nét văn hoá nào đó. Người xem có thể hiểu được nội dung tái tạo không chỉ thông qua hệ thống hiện vật, mà còn có cả phim video nữa.

Bảo tàng chủ trương tăng cường lời giải thích để phục vụ người xem. Hơn 100 bài viết trên panô và gắn với tủ kính hoặc với tái tạo đều cố gắng cung cấp những thông tin cần thiết và ảnh minh hoạ, nhiều pa nô có cả bản đồ. Tuy nhiên, do hạn chế về khuôn khổ nên phải viết dưới dạng ngắn gọn và cô đọng. Với mục đích phục vụ cả khách nước ngoài, các bài viết đó cũng như các phụ đề của hiện vật không chỉ dùng tiếng Việt, mà còn in bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì vậy, dù không cần thuyết minh viên giới thiệu, người xem vẫn có thể hiểu được đáng kể về các phần, các tủ, các hiện vật trưng bày.

Bảo tàng cố gắng tìm các giải pháp kỹ thuật hiện đại trong phương pháp thể hiện trưng bày như việc sử lý ánh sáng, dùng đèn chuyên dụng chiếu vào từng hiện vật hay từng bộ phận của hiện vật làm nổi lên vẻ đẹp cần gây sự chú ý quan sát. Trong điều kiện hiện nay, Bảo tàng đã lựa chọn phương án thông khí cho toàn bộ khu trưng bày. Từng tủ kính đều được lắp hệ thống thông khí để đảm bảo cho hiện vật không bị mốc

Đối với khu ngoài trời, do đất hẹp nên Bảo tàng chỉ có thể dựng 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như: Nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê Đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà trệt của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ của người Gia Rai. Xen giữa các công trình kiến trúc dân gian đó là cây xanh các loại, các lối đi ngoằn ngoèo và cả con suối uốn khúc chảy suốt 4 mùa, có cầu bắc nối đôi bờ. Những trưng bày ở phần này đang từng bước được thực hiện.

Với không gian thoáng và cảnh quan đẹp, Bảo tàng bao gồm 2 khu vực chính: khu vực trong nhà và ngoài trời do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (người dân tộc Tày) thiết kế, nội thất công trình do kiến trúc sư người Pháp đảm nhiệm. Tại đây hiện đang lưu giữ khoảng 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm theo ảnh), hàng trăm băng video, cassette trưng bày nhiều kỷ vật phản ánh mọi mặt đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em, tái tạo thành công những sinh hoạt tôn giáo tiêu biểu cho từng tộc người…

Nơi đây không chỉ là trung tâm lưu giữ và trưng bày quý giá về văn hóa mà còn là nơi tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu, khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa về phương diện dân tộc học của các dân tộc anh em.

Khu vực bên trong bao gồm các khối nhà trưng bày, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản… Phần trưng bày trong nhà chiếm trọn tòa nhà 2 tầng có dáng mô phỏng hình chiếc trống đồng. Các khối nhà liên hoàn với nhau, mỗi gian trưng bày của từng tộc người thể hiện trong việc trưng bày hiện vật theo lối kể chuyện. Câu chuyện được liên kết chặt chẽ, xuyên suốt với nhau bằng nhóm hiện vật, luôn thay đổi sự hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu khác nhau của người xem. Mỗi gian trưng bày là một câu chuyện lớn phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Hiện vật được trưng bày trong bảo tàng rất phong phú, từ y phục, đồ trang sức, vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc như gùi, dao, cuốc, nông cụ… Mỗi hiện vật trong bảo tàng đều có phụ đề ghi rõ tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, tư liệu tham khảo. Các sinh hoạt tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng như ma chay, cưới hỏi được thể hiện dưới những thước phim video sinh động và cuốn hút, có tác dụng phổ biến kiến thức rất hiệu quả. Các hiện vật ở đây được trang trí thật đơn giản, không cầu kỳ, để người xem có thể cảm thụ nhiều nhất cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của mỗi hiện vật rất bình dị, đời thường.

Khách được tham quan các hiện vật được trưng bày tại khu trưng bày thường xuyên, khu trưng bày chuyên đề, khu trưng bày lưu động và khu trưng bày ngoài trời. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn là điểm dã ngoại ngoài trời thú vị đối với những gia đình có con nhỏ trong những ngày cuối tuần. Khu trưng bày ngoài trời với những mẫu nhà đặc trưng của mỗi dân tộc thực sự là nét sinh động cho việc học tập, nghiên cứu của các em học sinh cũng như những người nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán của các dân tộc.

Hiện tại, bảo tàng mới dựng được 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê Đê, nhà trình tường của người Hà Nhì… Giữa các ngôi nhà là những lối đi nhỏ bên những con suối uốn khúc, những cây cầu nhỏ tạo không gian và phong cảnh rất gần gũi với đời sống của từng tộc người Việt Nam. Đến đây, du khách không chỉ tham quan, giải trí mà còn nghiên cứu, tìm hiểu về các dân tộc, bản sắc văn hóa của từng dân tộc cũng như giá trị truyền thống chung của các dân tộc.

Đặc biệt, chương trình biểu diễn múa rối nước đặc sắc của các phường rối Miền Bắc được diễn ra thường xuyên ở đây. Du khách không những được xem các nghệ sỹ biểu diễn múa rối mà còn được giao lưu với họ, được tự tay điều khiển con rối dưới nước rất thú vị. Các lớp học thủ công, thêu vải cho học sinh thường xuyên được tổ chức vào các dịp hè giúp các em vừa vui chơi giải trí vừa có thể học được nhiều kỹ năng thêu cơ bản.

Ngoài ra, khách tham quan sẽ có cơ hội ghé thăm và mua hàng lưu niệm tại các gian hàng: ấn phẩm, băng đĩa, đồ lưu niệm tại ngay cổng chính của Bảo tàng.

Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ hai. Với các hoạt động phong phú và đa dạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ lý tưởng cho những du khách muốn nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức nghệ thuật và khám phá về văn hoá Việt Nam. Bảo tàng rất thích hợp cho ngày nghỉ cuối tuần của các gia đình.

BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM

1. Lịch sử hình thành và quá trình hoạt động:

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập theo quyết định của thủ tướng chính phủ ngày 24 tháng 10 năm 1995. Bảo tàng được xây dựng trong 2 năm và chính thức khánh thành ngày 12 tháng 11 năm 1997.

Bảo tàng được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh. Phần nội thất do bà kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus thiết kế. Bảo tàng gồm hai khu vực chính: trong nhà và ngoài trời. Khu vực trong nhà bao gồm các khối nhà: nhà trưng bày, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường… Các khối nhà này liên hoàn với nhau, có các lối đi hợp lý, với tổng diện tích 2.480m2, trong đó 750 m2 dành cho kho bảo quản hiện vật. Khu trưng bày ngoài trời đang tiếp tục được hoàn thiện.

Đây là một trong những bảo tàng có hệ thống sưu tập hiện vật phong phú, tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, bảo tàng đã có nhiều hoạt động sưu tầm hiện vật và phổ biến các giá trị văn hóa vật thể – phi vật thể của các dân tộc Việt Nam thông qua các cuộc trưng bày, không chỉ tại bảo tàng mà còn tham gia các hoạt động trưng bày chuyên đề và trình diễn tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Bỉ, Áo…

2. Đặc điểm của bảo tàng:

Hiện nay, phần trưng bày trong nhà chiếm trọn toà nhà 2 tầng có dáng mô phỏng hình trống đồng- một biểu tượng chung của nền văn minh Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực. Chiếc cầu đá granít dẫn vào toà nhà Bảo tàng tạo cảm giác như đang bước lên căn nhà sàn phổ biến ở nhiều vùng. Mặt nền sảnh lớn toà nhà này được trang trí bằng đá granit với biểu trưng theo hình thể của Tổ quốc có đất liền và biển cả.

Hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu… Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và mọi sáng tạo văn hoá của họ.

Trong bảo tàng này, hiện vật rất phong phú, có thể hình thành được nhiều sưu tập theo các tiêu chí khác nhau. Bảo tàng có 54 bộ sưu tập về từng dân tộc, như: về người Thái, về người Hmông, về người Gia Rai… Phân chia theo công dụng, có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về ngư cụ, về vũ khí, về đồ gia dụng, về nhạc cụ… Lại có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.

2. Nội dung trưng bày trong bảo tàng:

Trưng bày trong nhà: Phần lớn diện tích trong nhà được bố trí trưng bày thường xuyên, bên cạnh đó có dành riêng một không gian để tổ chức các trưng bày nhất thời theo chuyên đề. Hiện tại, trưng bày thường xuyên trong nhà được bố trí như sau:

Tầng 1 trưng bày 2 phần chính:

- Giới thiệu chung các dân tộc Việt Nam

- Giới thiệu các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, bao gồm: Việt (Kinh), Mường, Thổ, Chứt.

Tầng 2 chia thành các phần:

- Các dân tộc Chăm, Hoa, Khơme

- Ngữ hệ Nam Đảo ở miền núi: giới thiệu các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru

- Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme ở miền núi: giới thiệu 5 dân tộc ở miền Bắc (Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Ơ Đu) và 15 dân tộc ở miền Trung – Tây Nguyên.

- Nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng: giới thiệu các dân tộc Cống, Sán Dìu, Ngái, Lô Lô, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Si La

- Nhóm Hmông – Dao: giới thiệu các dân tộc Hmông, Dao, Pà Thẻn.

- Nhóm Tày Thái – Kađai: giới thiệu các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Thái, Bố Y

Trưng bày ngoài trời

Đối với khu ngoài trời, do đất hẹp nên Bảo tàng chỉ có thể dựng 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như:

- Nhà rông của người Ba Na

- Nhà sàn dài của người Ê Đê

- Nhà sàn của người Tày

- Nhà nửa sàn nửa đất của người Dao

- Nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông

- Nhà ngói của người Việt

- Nhà trệt của người Chăm

- Nhà trình tường của người Hà Nhì

- Nhà mồ của người Gia Rai.

Xen giữa các công trình kiến trúc dân gian đó là cây xanh các loại, các lối đi ngoằn ngoèo và cả con suối uốn khúc chảy suốt 4 mùa, có cầu bắc nối đôi bờ. Những trưng bày ở phần này đang từng bước được thực hiện.

Những gì thuộc về đời thường thì phải trả lại đời thường

Người Pà Thẻn mặc trang phục đỏ trong mọi hoạt động là hình ảnh giả tạo, được tạo ra bởi những nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu của ta muốn nhìn họ với góc nhìn quen thuộc nhưng bất ổn. Những gì thuộc sinh hoạt đời thường thì phải trả về đời thường, qua đó sẽ cho ta cái nhìn và nhận thức mới về người Pà Thẻn thấm đậm hơn. 

Thưa ông, lý do gì khiến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (bảo tàng) chọn trưng bày triển lãm ảnh “Người Pà Thẻn” do chỉ một nhà nhiếp ảnh người Pháp (Sebastien Laval) thực hiện?

 

Đây là dự án hợp tác của bảo tàng với Hiệp hội các dân tộc Á châu (thành lập đầu năm 2006, là nơi tập hợp, thu hút những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ yêu văn hóa các dân tộc châu Á, đặc biệt là Việt Nam). Dự án “Tiếng nói các dân tộc Việt Nam” của Hiệp hội với mục đích tái hiện khách quan phong tục truyền thống và cuộc sống hiện tại của các dân tộc thông qua ngôn ngữ hình ảnh với những hình ảnh chuyên nghiệp, chất lượng cao, đặc biệt giúp công chúng hiểu về các dân tộc ấy qua “tiếng nói” của chính họ.

Hiệp hội chọn Pà Thẻn vì dân số ước tính chỉ 4300 người, cuộc sống lại có nhiều thay đổi đáng kể, từ du canh du cư thành định cư. Nguyện vọng của họ phù hợp với tiêu chí hoạt động của bảo tàng, Sebastien Laval là người gắn bó và hiểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, nên tôi đã đưa triển lãm ảnh về đây.

Trong ý niệm của công chúng lâu nay, người Pà Thẻn là hình ảnh những người phụ nữ trong trang phục dân tộc đỏ (mặc váy đỏ, khăn đội đầu màu đỏ), hay hình ảnh phụ nữ thổi sáo…nhưng qua triển lãm này thì sao?

Người Pà Thẻn mặc trang phục đỏ trong mọi hoạt động là hình ảnh giả tạo, được tạo ra bởi những nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu của ta muốn nhìn họ với góc nhìn quen thuộc nhưng bất ổn. Người Pà Thẻn cứ thấy khách đến, chuẩn bị chụp ảnh là họ thay quần áo. Khi Sebastien Laval đưa đến đây 100 bức ảnh, tôi đã đề nghị anh bỏ đi những bức chụp như những người khác. Vẫn có vài tấm họ mặc trang phục đỏ để chụp ảnh, còn những gì thuộc sinh hoạt đời thường thì phải trả về đời thường ấy, họ đi nương, đi gùi, ở nhà nấu bếp, chăm lợn gà… thế nào, bình thường họ ăn mặc ra sao? Qua đó sẽ cho ta cái nhìn và nhận thức mới về người Pà Thẻn thấm đậm hơn, sẽ hiểu cuộc sống của họ hơn.

 

 

Có đáng tiếc không khi trong cái nhìn chân thực ấy, công chúng sẽ thấy cả những góc đã bị “hiện đại hóa” của người Pà Thẻn?

 

Họ vẫn có nhu cầu giữ bản sắc riêng, nhưng thực tế cuộc sống của họ phải thay đổi. Cũng như chúng ta, trang phục truyền thống chỉ còn mặc trong những dịp lễ hội, còn lại thì chúng ta đã Âu hóa, người Pà Thẻn cũng như vậy. Đó là câu chuyện toàn cầu hóa, người Pà Thẻn ở nơi xa xôi hẻo lánh như thế cũng phải hội nhập. Cuộc sống của họ chịu nhiều thách thức, ngoài thách thức vượt sự nghèo khổ thì còn thách thức phải học theo cái gì, giữ lại cái gì là bản sắc?

Cách đây không lâu, một ngẫu nhiên thú vị xảy ra với tôi. Một cô gái trẻ 22 tuổi, người Pà Thẻn là Phù Thị Thiên (công tác tại trung tâm văn hóa huyện Quang Bình, Hà Giang) tâm huyết với văn hóa dân tộc mình, gửi thư cho giám đốc bảo tàng, bày tỏ băn khoăn rằng cô đến đây thấy bảo tàng trưng bày về người Pà Thẻn quá ít, không đầy đủ. Tôi đã ngỡ ngàng vì nhu cầu mạnh mẽ và “đúng lúc” như vậy.

Tôi đã đề nghị Hiệp hội các dân tộc Á châu mời Thiên cùng những người bạn của cô đến đây dự khai mạc, để những người Kinh chúng ta có dịp tiếp xúc trực tiếp và hiểu hơn về những suy nghĩ của họ. Vậy mà có người còn không tin họ là người “Pà Thẻn xịn”, cũng do trong nhiều sự kiện ta đã đánh tráo bằng người Kinh mặc áo dân tộc. (Cũng nói thêm là nhiều khách đến thăm đề nghị bảo tàng của tôi để những người thuyết minh mặc trang phục dân tộc sẽ ấn tượng hơn, nhưng đó không phải là sứ mệnh của bảo tàng. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là sự trung thực, “quần áo của ai thì người ấy mặc”).

Liệu những triển lãm ảnh như thế này có góp phần, dù nhỏ bé, giúp các dân tộc như Pà Thẻn nâng cấp cuộc sống, và bảo tồn được bản sắc riêng của họ không, thưa ông?

Chính sự có mặt ở đây sẽ giúp những cô gái Pà Thẻn có những nhận thức mới mẻ. Họ sẽ hiểu những giá trị di sản mà họ đang nắm giữ được xã hội tôn trọng ra sao? Tự họ sẽ thấy tự hào, thấy trách nhiệm, và sẽ quyết định họ muốn bảo tồn di sản của họ như thế nào? Đóng góp của bảo tàng chúng tôi là giúp họ về nhận thức, để những người trẻ như họ sẽ có suy nghĩ về chiến lược lâu dài.

Bên cạnh đó, cũng có sự giúp đỡ kinh tế trực tiếp ngay. Tôi đã là cầu nối để Phù Thị Thiên gặp gỡ ông Trần Đoàn Lâm, giám đốc NXB Thế giới, đồng thời là Chủ tịch quỹ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam – Đan Mạch. Chính Thiên sẽ làm dự án đề xuất để quỹ trợ giúp việc bảo tồn và phát triển một mảng văn hóa dân gian, hay một nghề cổ truyền của dân tộc cô. Tôi tin với sự mạnh mẽ, năng động, Thiên và những người như cô sẽ làm được.

Có rất nhiều cách để gắn kết cộng đồng với các hoạt động phát triển. Sắp tới, bảo tàng sẽ có một nhóm đi lên huyện Na Hang, Tuyên Quang triển khai dự án “Photo voice”, trao máy ảnh cho những người phụ nữ dệt dân tộc Tày, giúp họ có nhận thức mới về di sản văn hóa của họ liên quan đến nghề dệt, và việc phục hồi nghề dệt như thế nào? Hay Cục Di sản Văn hóa và Bảo tàng sẽ phối hợp triển khai dự án do quỹ Sida tài trợ vào đầu năm 2007 giúp phục hồi nghề dệt của một nhóm người Tày ở huyện Chiêm Hóa.

 

Với những hoạt động này, chúng tôi cố gắng tạo ra hướng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn các nghề thủ công gắn với việc phát triển kinh tế. Từ góc nhìn của những người làm bảo tàng, quan niệm và kinh nghiệm của tôi là hãy làm những việc nhỏ nhưng thiết thực, mang lại ích lợi cho chính cộng đồng những dân tộc thiểu số đang nắm giữ văn hóa. Như thế sẽ có hiệu quả, có tác động sâu sắc, rồi từ đó sẽ lan ra, sẽ nhân rộng .

 

Ý tưởng Photo voice rất thú vị, sẽ giúp công chúng có cái nhìn chân thật hơn về các dân tộc, và chính bản thân người các dân tộc cũng “nhìn lại chính mình”. Ý tưởng này bắt đầu từ đâu, và đã có ví dụ này về sự thành công?

Photo voice là phương pháp mới được áp dụng đầu tiên ở Mỹ, sau đó đã được ứng dụng rất thành công ở Vân Nam (Trung Quốc). Phương pháp này vào Việt Nam lần đầu tiên thông qua dự án của chị Dương Bích Hạnh, nghiên cứu sinh đang học ở Mỹ, do Bảo tàng và quỹ Toyota tài trợ. Dự án trao máy ảnh cho các em gái người Mông ở Sapa để các em chụp du lịch và cuộc sống dưới góc nhìn của các em, thể hiện mơ ước của các em. Dự án đã rất thành công, đã có triển lãm ở Bảo tàng, đã xuất bản thành cuốn sách “Sapa qua con mắt của các em gái Mông”.

Cách đây mấy năm, Bảo tàng đã thực hiện dự án trao máy ảnh cho những người thợ dệt dân tộc Lào (huyện Điện Biên Đông, nay thuộc tỉnh Điện Biên). Người của Bảo tàng lên trao đổi với họ, hỏi họ về ý nghĩa của từng bức ảnh mà họ chọn chụp. Từ những trao đổi giao lưu thì tự họ nhận thức ra giá trị của nghề dệt, ý nghĩa và những câu chuyện truyền thuyết xung quanh các hoa văn, giá trị của việc dùng các màu nhuộm tự nhiên…

Bảo tàng đã đứng ra tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh của họ chụp, một ở Bảo tàng, một ở ngay trong bản của họ. Sau đó một tháng, gần chục đoàn khách du lịch đến thăm làng (trong khi trước đó chưa có lấy một người nước ngoài bước chân đến đó), rồi làng trở thành điểm đến cho các tour du lịch. Vậy là người dân có những nhận thức mới, họ phục hồi sản xuất và tạo ra những sản phẩm mới để bán, làng bản họ giữ vệ sinh hơn, cuộc sống của họ cũng có những thay đổi thích hợp để đón khách tốt hơn nữa. Chính những điều này đã thay đổi cuộc sống của họ.

Năm ngoái, lần đầu tiên những người thợ dệt – vốn luôn sống khép mình trong bản làng – biết tự mình mang sản phẩm xuống Hà Nội để tham gia hội chợ triển lãm Craft Link, bán ngay ở sân Bảo tàng. Tôi cũng đã bàn với Craft Link, xin UNESCO ở Paris kinh phí để mở những lớp học giúp cho nhóm đổi mới mẫu mã, thích ứng với cuộc sống mới mà vẫn giữ những giá trị, những hoa văn truyền thống.

Cách làm đó của Bảo tàng đã được nhân rộng ra ở nhiều dự án khác, như dự án với làng gò đồng Đại Bái, hay dự án trao máy ảnh cho những người dân phố cổ Hà Nội.

 

Vậy sau triển lãm “Người Pà Thẻn”, ông có nghĩ cuộc sống của họ sẽ thay đổi thế nào không?

 

Tôi cũng sẽ bàn với chị Nguyễn Nga, Chủ tịch Hiệp hội các dân tộc Á Châu để đưa triển lãm này lên trưng bày ở Hà Giang, ở ngay làng Pà Thẻn. Tôi cũng được biết, Hiệp hội đã có dự án xây dựng một nhà trưng bày ở giữa làng của họ. Đây không chỉ là nơi treo những bức ảnh, mà còn là nơi để họ gặp nhau cho những sinh hoạt tập thể, nơi khách du lịch có thể dừng chân và ngủ qua đêm, gặp gỡ giao lưu với người bản xứ. Hội sẽ tìm kinh phí hỗ trợ để chính họ dựng lên ngôi nhà như họ mong muốn. Tôi nghĩ ý tưởng này nằm trong tầm tay, bởi rất phù hợp với mục tiêu của quỹ Việt Nam – Đan Mạch.

Chính những triển lãm như thế này là sự khởi đầu cho nhiều thay đổi về tư duy, nhận thức, sẽ mở ra một chân trời mới cho chính cộng đồng.