Nhà hát lớn Hà Nội tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà hát Lớn được khởi công xây dựng ngày 7/6/1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu của “Nhà hát Opera Paris” (Pháp), do hai kiến trúc sư Harlay và Broyer thiết kế. Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình lịch sử, kiến trúc giá trị của thủ đô Hà Nội.
Nhà hát lớn Hà Nội có diện tích 2.600m2, chiều dài 87m, chiều rộng 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m.
Bên trong nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 576m2 (24m x 24m). Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Đằng sau sân khấu là phòng quản trị, 18 buồng hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và 1 phòng họp.
Năm 1995, Nhà hát lớn Hà Nội được tu bổ lại để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam vào năm 1998. Vốn đợt tu bổ này là 156 tỷ đồng. Chủ nhiệm dự án là kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, phương án kiến trúc của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị.
Kiến trúc” Nhà hát Lớn Hà Nội” gồm:
Sảnh chính: Là nơi đầu tiên đón khách đến Nhà hát, được lát đá chất lượng cao của Italy, có màu sắc tạo cảm giác như được trải tấm thảm lớn. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo kiểu cổ. Đèn chùm treo trên cao được mạ một lớp vàng theo công nghệ mới.
Phòng khán giả: Bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội có sân khấu rộng và một phòng khán giả rộng 576m2, có tổng số ghế cả ba tầng là 598 ghế. Sàn phòng khán giả được lát bằng gạch chất lượng cao và trải thảm chống cháy. Ghế ngồi được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ XIX. Trần bên trên phòng khán giả do các hoạ sỹ Pháp vẽ. Đèn chùm được dát một lớp vàng theo công nghệ mới. Đèn gắn trên tường làm bằng đồng theo kiểu cổ.
Phòng gương: Là phòng lễ nghi quan trọng, thường xuyên đón tiếp các nhân vật cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia. Phòng gương được lát bằng đá Italia, lắp ghép thủ công theo kỹ thuật Mozaic.
Trần phòng gương được phục chế theo nguyên bản bởi những nghệ nhân từ Vơnidơ. Đèn chùm pha lê và đèn treo các góc mang phong cách cổ điển Pháp. Bàn ghế trong Phòng gương được thiết kế theo kiểu cổ, phong cách Pháp cuối thế kỷ XIX.
Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát Lớn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
- Ngày 17/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt mặt trận Việt Minh.
- Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của hàng chục vạn quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội.
- Ngày 29/8/1945, đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Ngày 16/9/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra Tuần lễ vàng.
- Đầu tháng 10/1945, tổ chức ngày Nam Bộ kháng chiến tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa họp khóa đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Ngày 2/9/1946, míttinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Từ ngày 28/10 đến 9/11/1946, Quốc hội họp khóa I tại Nhà hát Lớn đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể nói, ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội có một giá trị rất lớn về mặt lịch sử, là một nhân chứng cách mạng của thủ đô Hà Nội.
Từ đó đến nay Nhà hát Lớn Hà Nội luôn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị, míttinh quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế./.